Khi phong trào câu cá ngày càng phát triển thì câu cá từ chỗ chỉ là một thú vui đã trở thành niềm đam mê và còn có thể giúp “người chơi” kiếm thêm thu nhập.

Nhiều hồ câu kéo theo sự phát triển của các câu lạc bộ hay các nhóm “cần thủ”. Họ thường xuyên giao lưu trao đổi kinh nghiệm và thi thoảng tổ chức các giải câu mà phần thưởng có khi lên tới một chiếc xe máy (với người giải nhất) hay cần câu đắt tiền (với người về nhì). Các câu lạc bộ có thể thay đổi địa điểm thường xuyên hoặc thường tập trung câu theo giải ở một hồ câu quen. Các thành viên thông tin với nhau qua các diễn đàn, mạng xã hội để gọi nhau tham gia khi có giải. Mỗi khi giải diễn ra, có cả người câu từ các tỉnh về tham dự. Anh Phạm Hoàng, đạt giải trong một cuộc thi giao lưu giữa các câu lạc bộ vui vẻ nói: “Tôi cảm thấy may mắn nhận giải nhì, có lẽ cũng nhờ bốc thăm được ví trí ngồi câu đẹp. Giải thưởng cũng vừa đủ để khao mọi người trong câu lạc bộ”.
Bên cạnh việc “gặt hái” các giải thưởng, câu cá cũng là dịp để người câu giao lưu với những người cùng đam mê. Bác Mạnh Hà (Đội Cấn, Hà Nội), một người thường xuyên tham dự các giải câu cho biết: “Câu cá là một nghệ thuật và muốn câu được phải có gì đó đam mê. Mỗi khi có giải câu là một dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm câu cá, cũng là dịp để trao đổi về cuộc sống rất vui vẻ và thoải mái. Câu cá giúp thư giãn, nhất là đối với những người làm việc căng thẳng trí óc”.
Hình thức câu cá dịch vụ phát triển từ lâu với lưỡi lục (câu máy) dây dài nhả máy cho cá mắc câu di chuyển 5 – 7 phút, hiện nay có thêm hình thức câu cá thể thao. Nói về các loại hình và niềm đam mê câu cá, ông Hoàng Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Câu cá thể thao Việt Nam cho biết: “Nhìn chung đây là hoạt động giải trí lành mạnh xả stress rất tốt vào các ngày nghỉ, các gia đình quây quần bên nhau”.

Xuất phát từ đam mê câu cá để thư giãn, giải trí, phong trào câu cá còn giúp các cần thủ tăng thu nhập hay tạo việc làm. Khi tham gia vào các câu lạc bộ câu cá, một số người câu lâu năm còn tranh thủ kinh doanh. Do có nguồn cung cấp các dụng cụ câu, từ bình dân đến cao cấp, ở trong và ngoài nước, được nhiều người mới “tập toạch” vào “nghề chơi” nhờ mua, họ dần chuyển sang kinh doanh đồ câu. Có người bán một ngày được 100 cần câu hay thậm chí tạo việc làm thường xuyên cho bản thân như làm phao câu, lưỡi câu để bán. Giá bán đồ câu dao động tùy loại, phao câu có giá 20.000 – 50.000 đồng, lưỡi câu 30.000 – 150.000 đồng, cước câu dài 100 m khoảng 50.000 – 100.000 đồng, cần câu khoảng 500.000 – 40 triệu đồng. Với những người làm đồ câu, sau khi hoàn thành có thể lãi trung bình 20 – 50%. Sau một thời gian, có người thuê được nhà mặt phố với giá thuê 20 – 30 triệu đồng/tháng chỉ để bán dụng cụ câu. Anh Trung Thành (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Đam mê câu cá nhưng kinh tế hạn hẹp nên khi mới tham gia câu lạc bộ câu cá Sơn Tây tôi có làm lưỡi và phao câu để bán. Sau một thời gian tiết kiệm được một số tiền cũng như có nhiều mối quan hệ, tôi quyết định mở cửa hàng bán dụng cụ câu gần trường Đại học Công nghiệp”.
Khi đi câu, ngoài việc chọn thời điểm, vị trí câu thì việc chọn mồi cũng rất quan trọng mà người đi câu chuyên nghiệp gọi là “nắm được bài thính, bài mồi”. Tùy từng loại cá mà phải có loại thính sao cho phù hợp ví dụ như cá chép, trôi thích ăn ngô bung hay cám gạo cá nào cũng ăn… Có người nghiên cứu về thính để câu, sau đó câu tốt bán được cho người câu khác nên chuyển sang kinh doanh thính.
Anh Hùng Lâm, bán mồi câu ở Thành Công, Hà Nội, cho biết: “Khâu pha chế là quan trọng nhất, kể cả người có kinh nghiệm câu. Ban đầu tôi mua nguyên liệu về làm chỉ hết 70.000 đồng nhưng không hiệu quả, trong khi đi mua thính bán sẵn với giá 200.000/gói 5 kg đem câu lại hiệu quả. Vì vậy tôi chuyển sang nghiên cứu về thính một cách kỹ càng và thu được kết quả tốt. Tôi và một người khác câu gần nhau nhưng cá tập trung hết vào chỗ tôi câu, thậm chí ngay cả khi người đó câu trước và cá vẫn bị thu hút vào chỗ tôi”.
Mặc dù vậy, để bán được thính cũng không đơn giản. Người bán lên danh sách và pha trộn các nguyên liệu để làm mồi câu, thính sao cho phù hợp với từng loại cá và chuyển đến đúng thời điểm người câu hẹn trước bởi nếu không đem câu ngay, chỉ vài tiếng là mồi sẽ chuyển mùi và hỏng. Muốn làm được mồi, người bán phải biết về hóa học thậm chí là có bí quyết riêng. Khó khăn là vậy nên người nào thành công thì giàu lên nhanh chỉ từ việc bán thính. Cá biệt có người mua được ô tô và xây cả nhà. Anh Phan Hưng (câu lạc bộ câu cá Tràng An, Hà Nội) ngoài 30 tuổi, nhưng nhờ kinh doanh thính và mồi có thể tự mua ô tô. Anh cho biết: “Như có duyên với nghề, mặc dù có 2 bằng đại học nhưng tôi bỏ về làm mồi câu. Sau một thời gian chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước khoảng 7 – 8 năm, tôi quyết định đầu tư ô tô riêng để chở cá, cho xây một nhà kho để chứa máy trộn cỡ lớn và hàng chục nồi cơm điện chỉ để ninh ngô hay nghiền khoai. Với nhiều bí quyết pha trộn riêng, trong một buổi sáng tôi có thể bán mồi thu được 1 – 2 triệu đồng. Hiện có người ở câu lạc bộ Thăng Long đang đề nghị tôi bán “bản quyền” pha trộn thính cho 1 loại cá với giá 30 triệu đồng”.